Đặt tiêu chí tiện lợi cho nhu cầu an cư của bạn và các thành viên trong gia đình lên hàng đầu; khoản phải trả ngân hàng hàng tháng không quá 50% thu nhập; chọn người bán uy tín…
Hiện nay nhu cầu mua nhà của người dân rất cao, tuy nhiên không phải người dân nào cũng có kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để phân tích, nhận định về bất động sản trước khi mua bán.
Chính vì vậy, rủi ro trong việc mua bán là khó tránh khỏi. Để tránh rủi ra trong mua bán bất đông sản, người mua nên tham khảo quy trình 5 bước giúp người mua nhà để ở có thể chọn nhà phù hợp.
Bước 1: Xác định khu vực sẽ sinh sống
Việc xác định khu vực sẽ sinh sống căn cứ vào chữ “tiện”. Tiện ích là vấn đề được người mua nhà để ở quan tâm hàng đầu. Trong đó, có thể kể đến các yếu tố: Gần bệnh viện, gần nơi làm việc, gần trường học, gần chợ…
Do đó, bạn cần trả lời 4 câu hỏi sau đây để giúp xác định mình muốn sinh sống.
– Nơi ở có gần bệnh viện không?
– Vợ chồng có gần nơi làm việc không?
– Con cái có tiện đi học không?
– Có gần siêu thị hoặc chợ không?
Nên nhớ, đừng bao giờ mua căn nhà chỉ vì nó đẹp long lanh (như quảng cáo) và bạn thấy thích. Hãy mua căn nhà tiện lợi nhất cho nhu cầu an cư của chính bạn và các thành viên trong gia đình mình.
Trong thời gian sắp tới khi Việt Nam hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến Metro thì cũng nên lưu ý thêm yếu tố gần tuyến Metro như ở Singapore hoặc Malaysia.
Bước 2: Xác định khoản tiền sẽ mua nhà
Bạn muốn mua nhà bao nhiêu tiền? Tiền tự có hay góp cùng với vợ/chồng/anh chị em/ cha mẹ? Có phải vay ngân hàng không? Nếu vay thì vay bao nhiêu?
Theo kinh nghiệm tư vấn hơn hàng trăm khách hàng đã mua nhà của mình, khoản vay an toàn là khoản vay không quá 50% tổng giá trị căn nhà và khoản tiền phải trả ngân hàng hàng tháng không quá 50% thu nhập. Từ đó bạn có thể tính ra số tiền phải trả hàng tháng và thời hạn vay ngân hàng.
Ví dụ: Bạn cần mua căn hộ chung cư khoảng 650 triệu thì chỉ nên vay không quá 50% là 375 triệu. Giả sử thu nhập của bạn (cả 2 vợ chồng) là 20 triệu/tháng thì hàng tháng sẽ dành tối đa 10 triệu để trả tiền mua nhà. Trường hợp bạn chọn vay ngân hàng, phương án trả cả gốc lẫn lãi hàng tháng thì cần tìm ngân hàng có gói cho vay mua nhà để tính toán tiền vay phải trả.
Giả sử bạn tìm được ngân hàng cho vay với thời gian 10 năm, lãi suất 15%/năm (rất nhiều). Sau khi tính toán thì số tiền phải trả hàng tháng tối đa là 7.812.500 đồng. Nếu thời gian ngân hàng cho vay dài hơn và lãi suất cho vay thấp hơn thì rất tuyệt vời, nhưng phần lớn các sản phẩm cho vay từ ngân hàng đều có điều chỉnh lãi suất theo 6 tháng hay 12 tháng, và nên nhớ tiền lãi giảm dần theo thời gian.
Lưu ý: Hãy cẩn thận với những ngân hàng đang có gói lãi suất ưu đãi với lãi suất thấp (ví dụ: Lãi suất 6%-8% thường chỉ áp dụng cho năm đầu tiên, các năm sau lãi suất sẽ thả nổi).
Bước 3: Xác định bất động sản cụ thể sẽ mua
Câu hỏi quan trọng cần trả lời ở bước này: Chọn nhà riêng lẻ hay chung cư?
Nhà riêng lẻ có ưu điểm là tự do, trong khi đó nhà chung cư lại được bảo vệ tốt hơn. Nếu nhà có nhiều trẻ con, người già thường xuyên phải ở nhà một mình, chung cư là lựa chọn sáng suốt. Còn nếu bạn đang độc thân hoặc vợ chồng son mới cưới thì có thể chọn nhà riêng lẻ.
Từ đó, lên danh sách các bất động sản tại khu vực ạbn đang quan tâm. Bạn có thể tìm bất động sản từ tất cả các nguồn, đi xem, xem càng nhiều càng tốt, các điểm cần chú ý khi đi xem là cư dân xung quanh và các tiện ích đã nêu ở bước 1. Nên tạo ra 1 danh sách để kiểm tra, so sánh. Có thể tìm một chuyên viên tư vấn BĐS chuyên nghiệp để đỡ tốn thời gian. Lưu ý, tại Việt Nam người đi mua nhà không phải trả tiền môi giới.
Bước 4: Xác định pháp lý
Đây là bước rất quan trọng, nên nhờ một luật sư hoặc chuyên viên tư vấn có thâm niên kinh nghiệm hỗ trợ.
Nhà phải có sổ hồng, căn hộ chung cư phải có hợp đồng hoàn chỉnh về mặt pháp lý, chủ đầu tư uy tín, có ngân hàng liên kết cho vay thì việc giải ngân vốn vay mới thuận lợi. Quy định chung của ngân hàng hiện nay là nhà ở riêng lẻ diện tích từ 30m2 trở lên mới được vay. Chung cư thì phụ thuộc vào chủ đầu tư, giá trị hợp đồng và nguồn thu nhập (chứng minh được) ở bước 2.
Mua nhà của ai còn quan trọng hơn việc mua cái gì. Người bán (cả chủ nhà riêng lẻ hay chủ đầu tư) có uy tín và có tốt thì mới nên giao dịch.
Bước 5: Tiến hành giao dịch
Nên xin hồ sơ chuyển sang ngân hàng để thẩm định trước về thủ tục vay trước khi xúc tiến ký hợp đồng đặt cọc mua nhà. Nếu ngân hàng đồng ý cho vay, bạn mới ký hợp đồng mua nhà. Một số dự án chung cư có liên kết với ngân hàng nên thủ tục cho vay cũng sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên phải lưu ý là từng ngân hàng khác nhau cũng có những quy định khác nhau.
Sai lầm thường gặp là ký tên mua nhà rồi mới đưa hồ sơ qua ngân hàng thẩm định, việc này rất rủi ro trong trường hợp ngân hàng không đồng ý cho vay thì bạn sẽ có nguy cơ mất tiền đặt cọc rất lớn.
Làm tốt 5 bước trên thì bạn sẽ giảm được rủi ro ở mức tối thiểu khi tiến hành mua nhà, đặc biệt với những người mua nhà lần đầu, thiếu kinh nghiệm.